Cả thị trường bất động sản “dậy sóng” vì một văn bản

0
103

“Hầu hết 60 dự án bất động sản đều đã được cấp phép qua nhiều cửa. Vậy với văn bản này, Bộ Tài chính có quyền hồi tố, truy lại tất cả những khâu cấp phép trước đó? Việc này có đúng luật không?”, doanh nghiệp đặt câu hỏi trước những tác động tới thị trường từ một văn bản mang tính tham khảo của Bộ Tài chính.

Liên quan tới vấn đề quản lý và sử dụng đất đai, mới đây Bộ Tài chính đã gửi Thủ tướng Chính phủ và chuyển Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 60 dự án đã chuyển mục đích sử dụng đầu tư tại các thành phố lớn trên cả nước để phục vụ công tác thanh tra đất đai theo kế hoạch năm 2017.

Cùng với bản danh sách, Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng thẩm quyền.

Dù đây chỉ là văn bản mang tính chất tham khảo, cung cấp thông tin cho Thanh tra Chính phủ nhưng khi công bố ra công luận ngay lập tức đã nhận được sự quan tâm lớn và có những tác động tới thị trường.

Khách hàng hoảng sợ, doanh nghiệp lao đao

Đại diện một doanh nghiệp có dự án nằm trong bản danh sách cho biết: “Nhiều khách hàng nghe thấy thanh tra thì đã rất lo ngại dự án gặp phải những vấn đề về pháp lý, sợ mua rồi không lấy được sổ đỏ. Chưa kể với những dự án đang triển khai, khách hàng còn e ngại nếu bị ngừng thi công thì ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Nhiều khách hàng tỏ ra hiểu chuyện hơn thì lo rằng chủ đầu tư phải nộp thêm tiền sử dụng đất khiến người mua nhà phải chịu thêm khoản chi phí này”.

Vị này cũng cho biết thêm rằng: “Mấy ngày gần đây, doanh nghiệp phải bố trí thêm bộ phận giải đáp thắc mắc nhằm trấn an khách hàng. Thực tế, việc thị trường hoang mang là có thật. Tại các sàn giao dịch đã có nhiều khách hàng sợ không dám đóng tiền đợt tiếp theo như Hợp đồng đã ký vì sợ dự án bị đình chỉ để thanh tra. Một số ngân hàng cũng e ngại trong việc giải ngân cho khách hàng”.

“Tôi không hiểu vì lý do gì Bộ Tài chính là đưa ra danh sách vào thời điểm này khiến khách hàng hoảng loạn không đáng có. Đa phần các dự án của chúng tôi đã hoàn tất hết giấy phép, nghĩa vụ tài chính và xây dựng xong, đang tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng nhưng không hiểu sao vẫn có tên trong danh sách” – Đại diện một doanh nghiệp địa ốc lớn tại TPHCM phàn nàn.

Đặc biệt câu hỏi khiến nhiều doanh nghiệp đặt ra nhất trong mấy ngày qua là tính pháp lý của văn bản này với các cơ quan quản lý: “Hầu hết các dự án đều đã được cấp phép qua nhiều cửa. Vậy với văn bản này, Bộ Tài chính có quyền hồi tố, truy lại tất cả những khâu cấp phép trước đó. Việc này có đúng luật không?”

Cần cẩn trọng, tránh “đổ oan” cho doanh nghiệp

Trước thiệt hại của thị trường do văn bản trên – chiều qua, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA) đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ nhằm đề xuất cho các chủ đầu tư được tiếp tục thi công dự án thay vì phải tạm dừng để phục vụ thanh tra như kiến nghị của Bộ Tài chính.

“Điều này giúp các doanh nghiệp hoàn thành dự án đưa vào sử dụng, tránh lãng phí thời gian và của cải xã hội, và đảm bảo quyền lợi của người mua nhà. Người mua nhà đã ký hợp đồng mua bán nằm trong danh sách 60 dự án không phải chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh (nếu có) của chủ đầu tư dự án”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA phát biểu về kiến nghị.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng việc thanh kiểm tra là công tác quản lý của nhà nước và là việc thường xuyên liên tục. Đây là việc nên làm và là một trong số những nội dung quản lý của nhà nước, không có sai phạm gì cũng phải kiểm tra, thường xuyên, định kỳ, lựa chọn theo kiểu xác suất. Tuy nhiên, trong quá trình thông báo và triển khai phải thận trọng vì thị trường bất động sản rất phức tạp và nhạy cảm với cả người quản lý, doanh nghiệp, người dân và truyền thông.

“Ở đây, Bộ Tài chính chưa đi thanh tra thì làm sao thẩm định được, chưa thẩm định thì chưa kết luận được. Mà kể cả, Bộ Tài chính nói rằng thẩm định rồi nhưng mới là đơn phương chắc gì người ta đã chấp nhận như thế bởi anh không phải tuyệt đối, không phải quan toà, không phải đơn vị kết luận cuối cùng. Việc đưa tin ra phải rất thận trọng. Đáng lẽ khi chưa có kết luận, chưa xem xét xử lý thì không nên công bố là có thất thoát nhằm tránh “đổ oan” cho doanh nghiệp”, ông Nam bình luận

Nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh tới sự cẩn trọng khi thanh kiểm tra dự án và cho rằng không nên “võ đoán” khi chưa kiểm tra, thậm chí khi đưa ra kết luận xử lý cũng phải rất cẩn thận.

“Cơ quan quản lý khi thanh kiểm tra thì cứ đi nhưng phải phát hiện sai phạm thì mới cho dừng dự án. Việc của doanh nghiệp là làm ăn, triển khai kí hợp đồng, họ vay vốn, có đảm bảo tiến độ, anh không thể nói dừng để kiểm tra. Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ngừng 1 ngày tốn kém như thế nào thì ai chịu, chưa kể khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại”, ông nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, trao đổi với báo chí, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia tư vấn bất động sản cũng cho rằng, danh sách trên chỉ là danh sách tham khảo và việc thanh tra kiểm toán là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, việc định giá đất như thế nào trong vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đó là chuyện của Nhà nước chứ không phải các doanh nghiệp làm sai.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, mục đích chính của Bộ Tài chính là tránh thất thoát tài sản Nhà nước và xác định số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nếu đình chỉ thi công hàng loạt dự án thì hậu quả sẽ khó lường. Tệ nhất là kéo theo sự xuống dốc của thị trường và như vậy cũng ảnh hưởng đến nguồn thuế từ bất động sản.