Với 15% lợi nhuận nếu đồ khách gửi bán thành công, trung bình, shop trực tuyến thu về 15-20 triệu đồng mỗi tháng.
Là “con nghiện” mua sắm nên Nhung ở Hà Nội từng khổ sở nhìn tủ thời trang ngày một đầy. Ban đầu, để thanh lý đống đồ cũ, cô lập album riêng trên trang cá nhân. Nhờ duyên bán hàng và gu thẩm mỹ tốt, đồ nhanh chóng được giải quyết. Nhiều người cũng vì đó ké Nhung thanh lý. Một thời gian, được bạn bè mách nước rồi tự mình tìm hiểu trên mạng, giữa năm ngoái, cô nàng 9x quyết định mở dịch vụ nhận ký gửi đồ thời trang, mỹ phẩm.
Tuy nhiên, để đảm bảo uy tín, shop online này chỉ nhận ký gửi hàng thương hiệu nước ngoài hoặc sản phẩm designer tên tuổi của Việt Nam. Chủ cửa hàng giải thích, hiện nhiều nơi cũng mở dịch vụ ký gửi nên muốn tạo sự khác biệt. Với kinh nghiệm mua sắm hàng hiệu, Nhung khá tự tin trong việc phân biệt hàng thật, giả.
Mặt hàng tại shop online này khá đa dạng, từ quần áo, giày dép, túi xách đến mỹ phẩm. Để tạo sự thuận tiện cho khách hàng, Nhung tự tạo một bảng thông tin cho khách gồm chi phí và các quy định ký gửi. Theo đó, với sản phẩm giá dưới một triệu đồng, phí dịch vụ là 15%; đồ từ một triệu đến 40 triệu đồng, phí 10%. Riêng những sản phẩm cao cấp, giá trị ký gửi từ 40 triệu đồng, chủ cửa hàng hưởng 7% lợi nhuận. Thời gian ký gửi tối đa 6 tháng.
“Bán hàng online muốn thành công hình ảnh phải đẹp, câu miêu tả hấp dẫn, và uy tín từ người bán. Vì thế, khi nhận đồ từ khách, tôi luôn kiểm tra kỹ lưỡng. Hàng tại shop, quần áo luôn được là phẳng phiu, giày dép, túi xách vệ sinh sạch sẽ. Sau đó tôi phối các set đồ với nhau để tạo hiệu ứng hình ảnh bắt mắt nhất, và đặc biệt phải có website chuyên nghiệp phục vụ tốt nhu cầu chốt khách ngay kênh online”, chị Nhung chia sẻ bí quyết. Tuy chỉ làm nghề tay trái nhưng nhờ sự chuyên nghiệp nên cô gái 9x này thu được số tiền không nhỏ. Vào tháng cao điểm, Nhung kiếm được gần 20 triệu đồng.
Dịch vụ nhận ký gửi online thành công phụ thuộc nhiều vào độ “hot” của trang cá nhân người bán. Ngọc ở TP HCM là một trường hợp điển hỉnh. Facebook của cô có hàng nghìn người theo dõi. Nhờ đó, mỗi dòng trạng thái, bức ảnh đăng tải đều thu hút sự quan tâm lớn.
Đồ ký gửi ở đây được bán khá nhanh. Khách hàng rất tin tưởng chủ shop vì chất lượng và giá thành tốt. Ngọc chia sẻ, khi rao bán, shop luôn trung thực về tình trạng sản phẩm để người mua cân nhắc kỹ. Thậm chí, nếu mức giá khách ký gửi đưa ra không phù hợp với thị trường, cô cũng từ chối nhận.
Định kỳ vào ngày cuối cùng trong tháng (30 hoặc 31), Ngọc sẽ chuyển khoản cho khách số tiền bán được. Hàng càng bán được sớm, người ký gửi càng nhận được nhiều tiền. Trong 5 ngày đầu, khách sẽ nhận được 85% giá trị của sản phẩm, từ ngày thứ 6 giảm xuống 70%, còn từ ngày thứ 15 sẽ giảm tiếp còn 60%… Do bán đồ hiệu nên phần “hoa hồng” Ngọc nhận cũng rất hấp dẫn, trung bình từ 200.000 đồng đến một triệu đồng. Với đồ cao cấp, lợi nhuận còn 2-5 triệu đồng.
Ngoài trang cá nhân, Ngọc cũng gia tăng cơ hội thanh lý cho người ký gửi khi đăng trên nhiều trang trực tuyến khác nhau như các diễn đàn… Đặc biệt, chủ shop còn tỉ mỉ làm phiếu đánh giá, xem độ hài lòng của người mua. Từ đó, cô khắc phục những điểm chưa tốt của cửa hàng.
Bên cạnh những thành công, một số chủ shop nhận ký gửi online cũng nhận không ít “trái đắng”. Ngọc tâm sự: “Tính số hàng ký gửi ở cửa hàng tôi có lúc lên tới 300 sản phẩm. Ban đầu cũng không tránh khỏi mất mát đồ và phải đền tiền cho khách, nhưng càng làm thì lại càng có kinh nghiệm quản lý chặt chẽ hơn”.
Trường hợp của Vân Anh ở Hải Phòng lại mất tiền bởi mắc lừa khách hàng. Cô kể, theo quy định, người ký gửi phải mang hàng qua nhà để check. Tuy nhiên, do khách quen nài nỉ nên Vân Anh chấp thuận việc chỉ đăng hộ, không cần mang đồ đến. Khi giao dịch mua, bán thành công, chủ shop mới nhận được phản ánh, người bán đồ giả, không đúng miêu tả. Cô tá hỏa tìm người ký gửi thì trang cá nhân đã xóa, số điện thoại cũng không thể liên lạc được. Cuối cùng, Vân Anh phải đền 2 triệu đồng và nhận về đôi giày fake.
Theo VNE,