Chúng ta đã bàn rất nhiều về những bí quyết tăng lượng truy cập cho website bán hàng, điều này cố nhiên là tốt đối với kinh doanh online nhưng lại không phải mục đích cuối cùng mà ta phải hướng đến. Nhiều lượng truy cập nhưng tỉ lệ chuyển đổi thấp, số đơn hàng chưa bằng một phần mười traffic thì có tác dụng gì đây! Vì vậy sau khi thu hút người dùng đến với website bán hàng thì việc tiếp bạn cần làm là thuyết phục họ mua sản phẩm của mình. Mà trong đó, cách hiệu quả và đơn giản nhất là viết đoạn mô tả sản phẩm thật hấp dẫn. Một bài mô tả như vậy thường được chia làm 5 phần, hãy cùng tìm hiểu bí quyết để viết từng phần ngay sau đây.
Phần 1: Câu mở đầu ấn tượng
Đây là phần ngắn nhất và cũng quan trọng nhất của bài mô tả sản phẩm, đóng vai trò như tiêu đề bài viết, đồng thời là điểm nhấn kích thích người dùng đọc tiếp nội dung phía dưới. Thông thường, một trang sản phẩm luôn có phần thông số kỹ thuật, giá cả ở trên cùng, mặc dù là thông tin chính nhưng chúng lại khá đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn nên không ít người sau khi đọc liền bỏ qua sản phẩm đó. Nhưng nếu họ nhìn thấy câu mở đầu của bài mô tả phía dưới đủ kích thích thì họ sẽ ở lại để tham khảo thêm.
Câu mở đầu thường ngắn gọn, nội dung súc tích, tóm gọn được toàn bộ điểm nổi bật của sản phẩm. Ví dụ: “Đem cả văn phòng vào máy tính bảng Samsung Galaxy Tab A 9,7 inch (S-pen)”. Qua câu mở đầu này khách hàng sẽ biết được:
– Tên sản phẩm: Samsung Galaxy Tab A.
– Đặc tính nổi bật: kích thước màn hình 9,7 inch, có bút cảm ứng S-pen “thần thánh” của Samsung.
– Là sản phẩm chuyên dụng cho dân văn phòng.
Phần 2: Đoạn mô tả kích thích
Sau khi gây ấn tượng cho khách hàng, hãy khiến họ cảm thấy tò mò về sản phẩm rồi kéo xuống để đọc thêm, đây cũng là tác dụng chính của đoạn mô tả ngắn dưới câu mở đầu. Đoạn này chỉ dài khoảng 3 đến 4 dòng, sử dụng các câu hỏi để gợi lại nhu cầu của khách hàng hoặc câu cảm thán để nhấn mạnh tính năng nổi bật đã nói ở trên. Ví dụ thế này: “Bạn là nhân viên văn phòng nhưng lại luôn phải di chuyển để gặp đối tác? Khối lượng công việc quá nhiều và bạn muốn tận dụng tối đa thời gian? Vậy thì Samsung Galaxy Tab A chính là một “văn phòng thu nhỏ” với đầy đủ tính năng dành cho bạn!”
Phần 3: Nêu lợi ích của những tính năng sản phẩm
Mặc dù là bài mô tả nhưng nếu bạn chỉ viết theo đúng chuẩn văn miêu tả bằng việc liệt kê tất tần tật những đặc điểm, tính năng của sản phẩm thì cũng dễ hiểu vì sao khách hàng chẳng có hứng thú đọc thêm. Kiểu như:
– Samsung Galaxy Tab A có kích thước màn hình 4:3
– Bút S-pen thông minh và hiện đại
– Camera sau 5MP có khả năng chụp ảnh liên tục, tự động lấy nét.
….
Những điều cơ bản này khách hàng đều đã biết khi đọc thông số kỹ thuật ở phần đầu, bạn chỉ đang làm việc bê nguyên xuống rồi thêm chút mắm chút muối mà thôi. Muốn khách hàng cảm thấy sản phẩm này phù hợp cho họ, là thứ họ cần và đang tìm kiếm thì bạn phải cho họ thấy những lợi ích của các tính năng trên. Nếu được thì hãy triển khai mỗi tính năng thành một mục riêng và phân tích chi tiết, còn nếu không hãy chia thành các đoạn ngắn. Và đừng quên minh họa mỗi tính năng ít nhất một hình ảnh rõ nét của sản phẩm nhé!
Ví dụ: “Điểm nổi bật về thiết kế của Samsung Galaxy Tab A so với những anh chị em của mình nằm ở tỉ lệ màn hình 4:3 chứ không phải 16:9 thông thường. Tỉ lệ này giúp cho việc đọc sách, tạp chí, các tài liệu văn phòng hoặc lướt web thuận tiện hơn, trải nghiệm đọc của bạn sẽ được nâng lên một đẳng cấp mới!”
Phần 4 (nếu có): Chương trình khuyến mãi, ưu đãi
Tùy vào chiến lược kinh doanh của bạn mà phần này có thể có hoặc không trong bản mô tả sản phẩm. Tuy nhiên, nếu có thì hãy làm nổi bật nội dung khuyến mãi, ngày tháng áp dụng bằng cách in đậm, bôi màu để gây sự chú ý. Ví dụ: “TẶNG 01 BAO DA cho 50 khách hàng đầu tiên mua sản phẩm.”
Phần 5: Câu kêu gọi hành động
Call-to-action (kêu gọi hành động) là một phần chốt rất quan trọng của bài mô tả sản phẩm. Sau khi đã thuyết phục khách hàng bằng những tính năng và lợi ích độc đáo của sản phẩm bạn cần phải hối thúc họ ngay lập tức, hạn chế thời gian phân vân của khách hàng. Nếu có điều kiện hãy thiết kế một nút call-to-action (CTA) riêng, còn nếu không thì chỉ cần một câu cổ động là đủ. Ví dụ: “Hãy đặt mua Samsung Galaxy Tab A ngay hôm nay để những lo âu về công việc không còn bám đuổi bạn nữa!”
Muốn viết một bài mô tả sản phẩm hấp dẫn cho website bán hàng không chỉ cần văn hay chữ tốt mà phải hiểu tâm lý khách hàng, hi vọng những bí quyết này sẽ giúp bạn kinh doanh online tốt hơn!