Dữ liệu (data) là tài sản quý giá đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Dữ liệu trên laptop, di động hay website đều có thể dễ dàng bị mất bất kỳ lúc nào bạn không thể đoán trước được. Và bạn vẫn nghe người ta nói về việc back up dữ liệu. Vậy việc back up dữ liệu là gì? Tại sao cần back up dữ liệu với web?
Back up dữ liệu là gì?
Back up dữ liệu nghĩa là sao chép các dữ liệu của bạn trên website, trong máy tính (hay tablet, điện thoại…) và sau đó lưu trữ lại ở một nơi khác, đề phòng nếu chẳng may website bị hack hay các thiết bị chứa dữ liệu bị hỏng ổ cứng, nhiễm virus, mất… thì dữ liệu của bạn vẫn còn và có thể chuyển sang một thiết bị khác tương tự.
Tại sao cần thường xuyên backup dữ liệu cho website?
Đối với data chứa trong laptop, tablet, di động thì dữ liệu chỉ bị mất khi thiết bị hỏng hay mất, nhưng dữ liệu trên website thì có thể bị lấy mất bất kỳ lúc nào bởi những hacker. Và bạn cũng biết rồi đấy, nếu không muốn một ngày đẹp trời ngủ dậy và nhận thấy toàn bộ dữ liệu trên website của mình đã biến mất, thì back up là một công việc cực kì quan trọng đấy.
Nếu không may bị hacker tấn công thì với việc back up dữ liệu thường xuyên, thay vì hoảng loạn xử lý các dữ liệu quan trọng bị biến mất thì bạn sẽ bình tĩnh đưa lại những dữ liệu đã được back up lên lại và bạn lại có lại một website như cũ.
Mất dữ liệu website đồng nghĩa với việc mất danh sách khách hàng, sản phẩm, kiến thức có giá trị…vv.. mà bạn tích góp trong thời gian trước. Thật tệ phải không? Vậy thì giờ bạn đã hiểu tại sao việc back up dữ liệu cho website rồi đấy.
Các thiết bị cần thiết của hệ thống back up
+ Thiết bị lưu trữ dữ liệu cần back up
+ Thiết bị lưu trữ dữ liệu back up
+ Đường truyền
+ Thiết bị thực hiện các hành động back up.
+ Các thiết bị bảo mật như Firewall.
Hướng dẫn back up dữ liệu cho website
Một website thường được chia làm 2 thành phần chính là : source code (mã nguồn) và database (cơ sở dữ liệu). Khi back up sẽ tiến hành backup dữ liệu ở 2 thành phần chính này.
Back up cơ sở dữ liệu (database)
Dữ liệu của một website thường được lưu trữ bên trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu (CSDL), mà phổ biến đó là MySql, SQL Server, SQLite,..
Mỗi hệ quản trị CSDL đều có chức năng cho phép backup dữ liệu bằng cách xuất ra file data (thường có đuôi là .sql) để bạn có thể file dữ liệu này tại PC, dịch vụ lưu trữ trực tuyến, cloud,…
Ví dụ: Với hệ quản trị CSDL PHPMyadmin thì bạn chỉ cần đăng nhập vào PHPMyadmin -> chọn tab xuất và thực hiện việc xuất dữ liệu ra file .sql. Nếu bạn bị mất dữ liệu, thì chỉ cần đăng nhập lại vào PHPMyadmin -> chọn tab nhập -> trỏ đến file .sql đã xuất -> thực hiện để phục hồi dữ liệu đã mất.
Backup mã nguồn (source code)
Mã nguồn chính là những file chứa các đoạn mã hình thành lên website của bạn bao gồm:
+ Các tập tin html, .xml, css, javascript
+ Các thư mục chưa hình ảnh, file dữ liệu excel, csv,..
+ Các tập tin php, java, python,…
+ Các tập tin cấu hình như .htaccess, robots.txt,
… và những tập tin khác.
Tất cả các tập tin này chính là mã nguồn website của bạn. Nếu muốn tiến hành backup mã nguồn website, bạn cần đăng nhập vào tài khoản quản trị hosting -> vào thư mục gốc chứa mã nguồn website -> nén tất cả file lại thành một file nén .zip, .rar hoặc .gzip. -> download file nén này về và lưu trữ ở PC hay Google Drive, Dropbox, đám mây (cloud),… Khi đã có file nén này, nếu cần phục hồi bạn chỉ cần upload file lên thư mục gốc và giải nén.
Backup dữ liệu web đối với các CMS như WordPress, Joomla, …
Các CMS như WordPress, Joomla thông thường luôn có các plugin backup dữ liệu một cách tự động và nhanh chóng, không cần làm thủ công như backup dữ liệu web của một mã nguồn thông thường.
Các plugin hỗ trợ việc backup dữ liệu website miễn phí và nhanh chóng của wordpress :
- BackWPUp
- BackUpWordPress
- Duplicator
- WP-DB-Backup
Bạn chỉ cần download các plugin này về và kích hoạt cài đặt trên WordPress, sau đó làm theo hướng dẫn của từng plugin rất tiện lợi và nhanh chóng.
Việc back up dữ liệu website là vô cùng cần thiết và cần phải làm thường xuyên vì dữ liệu website khi đã mất đi thì sẽ không có cách nào khôi phục lại ngoài dữ liệu đã được back up. Việc phát triển nhanh chóng của mạng internet luôn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường mà bạn cần đề phòng trước.